Chạy đua cùng thời gian
Chỉ còn hơn 2 tuần nữa là kì thi tốt nghiệp bắt đầu, đây là thời kì nước rút để teen lớp 12 tổng kết lại vốn kiến thức 6 môn đồ sộ. Tâm lý lo lắng đang đè nặng lên các bạn ý.
B.Trâm (trường V) tất tả đi từ hàng photo về nhà, trong tay là đống tài liệu dày cộm của hai môn Văn và Sử. “Tớ ôn khối A nên lơ là hai môn này. Bây giờ mới thấy lo quá cơ. Tớ học cũng được kha khá rồi nhưng tài liệu mấy môn này nhiều kinh khủng. Mỗi đứa một kiểu, mỗi thầy cô một dạng. Thôi cứ photo hết về đọc cho chắc ăn.”
Để “ngốn” được hết đống tài liệu đó, chưa kể dành thời gian cho 4 môn thi còn lại cả tháng trời nay Trâm chỉ ngủ mỗi ngày không quá 5h. Bạn í tâm sự đã sắp stress nặng vì bị dồn đống kiến thức.
Cùng “cảnh ngộ” với Trâm, Khánh tâm sự: “Tớ cũng đang ngập đầu, ngập cổ trong đống sách vở đây. Rõ ràng mình đã học rồi mà bây giờ kiểm tra lại cứ quên quên nhớ nhớ…”.
Một vài teen khác thì đang phân vân trước những tin đồn “đề tủ”. Vân cho biết hàng ngày bạn ý nhận được khá nhiều tin nhắn của tụi bạn thông báo về các bài văn, câu hỏi lịch sử mà năm nay dễ “rơi” vào.
“Đứa bảo học bài này đứa bảo học bài kia. Tớ chẳng biết đường nào mà lần. Ngay cả mẹ tớ cũng nói mới khiếp chứ. Mẹ tớ bảo nghe các cô ở cơ quan nói thế”. Hiện tại thì cô bạn đang đau đầu hết sức, không biết nên học theo “tủ” hay cứ học hết cho chắc. Cứ luẩn quẩn với mớ thông tin từ khắp nơi như vậy, bảo sao không bị đau đầu.
Tâm lý căng thẳng cộng thêm lịch học dày đặc khiến nhiều teen bị stress
Đối với Khánh, Trâm, Vân và nhiều teen chăm chỉ khác thì đây là khoảng thời gian vàng ngọc để ôn lại bài còn đối với những teen đã lỡ mải chơi thì đây thực sự là một cuộc đua “một sống một còn”, vận tốc “chạy đua” còn gấp trăm nghìn lần ấy.
Trong khi bạn bè ôn thi vất vả thì Tuấn suốt ngày la cà ở các hàng điện tử. Khi chưa công bố môn thi TN thì Tuấn chặc lưỡi: “Năm ngoái thi Sử rồi năm nay yên chí không thi lại”. Đến khi công bố môn thi, Tuấn lại tiếp tục cho qua: “Ôi giời, học tí là xong ấy mà”.
Chỉ đến bây giờ khi “nước đến chân”, Tuấn mới hoảng hốt tìm sách vở để đọc. Nhưng dù có học ngày học đêm thì một lượng kiến thức khổng lồ như vậy cũng không thể “nạp” vào đầu Tuấn ngay tức thì. “ Bây giờ tớ cai game rồi. Hôm nào tớ cũng làm hai cốc café để học đến sáng luôn. Nhưng nhiều quá nên cũng chỉ học được những cái cho là quan trọng thôi. Không đủ thời gian để học hết!” Kiểu học chạy đua này là bài học cho những kẻ lười biếng chỉ trông chờ vào những gì… trên trời rơi xuống!
Gánh nặng tâm lý
“Cứ nghĩ đến thi tốt nghiệp là tớ lại hoảng. Dù mình có học thật đấy nhưng đi thi vẫn sợ bị sơ sẩy. Nhỡ đâu lại…” Vân thú thật về gánh nặng tâm lý khi ngày thi đến gần . Đây cũng là tâm lý chung của teen, dù học hành chăm chỉ, kiến thức khá vững nhưng vẫn thấy… run run khi nghĩ đến cảnh bước chân vào phòng thi.
B. Trâm thì lại kiêng hoàn toàn những từ như “trượt”, “ nhầm”, “ đen”, “lộn”..vv.. Theo Trâm nói những từ ấy trước khi thi sẽ rất xui. “Mẹ tớ còn đi lễ ở bao nhiêu chùa để xin cho tớ thi đỗ tốt nghiệp đấy. Bố tớ thì hôm nào ăn cơm cũng nhắc đến chuyện này, nào là 12 năm chỉ trông chờ vào một dịp này, thi không được loại khá thì xấu hổ..vv..Nhiều lúc căng thẳng chỉ muốn hét lên thôi”.
Gánh nặng tâm lý này không chỉ đè lên những teen chuẩn bị đi thì mà còn cả với bố mẹ, thầy cô giáo của các bạn ấy nữa. Chỉ cần nghĩ đến khuôn mặt buồn bã khi bước khỏi phòng thi sẽ kéo theo sự thất vọng, lo lắng của phụ huynh là teen đã thấy sợ luôn rồi.
Cô M.Phương, phụ huynh của Khánh tâm sự: “Khánh là cháu đích tôn nên mọi người kì vọng nhiều lắm. Thi tốt nghiệp chỉ là bước đầu thôi, còn thi Đại học nữa chứ. Nhiều lúc cô cũng cảm thấy là mình không nên tạo áp lực nhiều cho con như thế nhưng nếu không làm vậy cô lại sợ Khánh sẽ không cố gắng. Con trai thường mải chơi lắm.”
Năm học 07-08 đã kết thúc với các thầy cô giáo dạy lớp 12 nhưng thi tốt nghiệp luôn là mối lo không yên của các thầy cô. Đặc biệt là các thầy cô dạy dân lập khi thành tích của nhà trường được đánh giá phần nào qua tỉ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm.
“Nhiều khi các thầy cô giáo doạ dẫm, quát mắng các em không phải vì ghét hay trù như các em vẫn nghĩ. Mà thực sự là các thầy, cô đang lo cháy ruột, cháy gan cho học sinh. Có những bạn học lớp 12 nhưng vẫn ềon ham chơi, lười học. Nếu trượt tốt nghiệp là các em đã lỡ dở 1 năm thi Đại học rồi.”- cô L (PTTH NS) nói.